Bí quyết vượt qua thời kỳ thử việc đầy khó khăn
Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015
Trước khi ký hợp đồng lao động, các công ty thường yêu cầu thử việc. Nhà tuyển dụng sẽ quan sát cách bạn tương tác với công việc và mọi người xung quanh. Ngoài kiểm tra năng lực họ còn xem thái độ làm việc của bạn. Dưới áp lực này, có thể bạn cảm thấy rất căng thẳng và dễ mắc sai lầm. Để “sống sót” qua giai đoạn thử thách khó khăn này, bạn có thể thực hiện một số bí quyết sau:
Chủ động
Bạn không nên thụ động chờ đợi cho tới khi có người tới chỗ bạn và giao việc hay hướng dẫn. Thay vào đó, hãy chủ động nói chuyện với người giám sát về nhiệm vụ của bạn. Nếu sếp và đồng nghiệp đều đang quay cuồng bận rộng với công việc, hãy lên tiếng đề nghị trợ giúp họ. Bạn cũng có thể đi đổ thùng rác nếu nó đầy hoặc đi lấy nước uống hộ đồng nghiệp. Đừng cho rằng đây là công việc chân tay và không có trong hợp đồng lao động, những việc đó để chứng tỏ với mọi người rằng bạn sẵn sàng là một thành viên trong nhóm.
Tìm hiểu nội quy công ty
Là nhân viên mới, điều đầu tiên bạn nên làm là nghiên cứu nội quy của công ty. Đọc và hiểu mọi quy định của công ty giúp bạn cư xử và thể hiện một cách chuẩn mực nơi công sở. Đồng thời, bạn sẽ không “mất điểm” và làm lãng phí thời gian của sếp bằng những câu hỏi “nghờ ngệch” như thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, giờ ăn trưa…
Liên minh với đồng nghiệp
Có thể bạn có đủ thông minh, sáng tạo và kỹ năng khá tốt để làm việc nhưng nếu bạn không có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng là một “cái bẫy” có nguy cơ cao để bạn bị sa thải ngay từ lúc thử việc đấy. Ngược lại, nếu bạn là một người đáng mến trong mắt đồng nghiệp và quan hệ tốt với mọi người xung quanh, chắc chắn sẽ tăng khả năng “bám trụ” với công việc.
Liên kết với các đồng nghiệp bắt đầu bằng việc trở nên thân thiện, nhiệt tình giúp đồng nghiệp khi cần và tiếp nhận chân thành những lời khuyên của họ Dù thể hiện sự thân mật nhưng vẫn lịch sự trong lời chào và hội thoại với đồng nghiệp.
Trong trường hợp bạn mắc lỗi mà bị đồng nghiệp “sói mói”, nhân cơ hội để phê phán bạn hoặc nếu bạn cảm thấy rằng những đồng nghiệp đó ghen ghét cản trở tiến bộ của mình thì cũng nên tỏ thái độ dứt khoát hơn là cố nhường nhịn để bị lấn át. Tuy nhiên cách cử xử cũng phải khéo léo nếu không bạn dễ bị đồng nghiệp chơi xấu sau lưng. Tốt nhất bạn nên tập trung thời gian và mối quan tâm của mình vào những đồng nghiệp tốt, có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Quan sát
Hãy sử dụng tai mắt của mình để phân biệt những điều nên và không nên làm ở công sở cũng như những quy tắc “bất thành văn”. Chẳng hạn, cách mọi người gọi sếp bằng tên hay họ cũng như phong cách làm việc, giao tiếp của sếp. Sếp thích liên lạc qua điện thoại, email hay gặp mặt trực tiếp hơn…?
Ngoài ra, hãy quan sát cách ăn mặc của mọi người. Sẽ không có vấn đề gì nếu công ty quy định nhân viên phải mặc đồng phục. Nhưng nếu không, bạn cần điều chỉnh cách ăn mặc cho phù hợp với văn phòng. Ăn mặc quá “sành điệu khác người” hay lôi thôi sẽ khiến tạo dựng một hình ảnh kém chuyên nghiệp trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Luôn luôn đúng giờ
Không bao giờ đi làm muộn, đặc biệt trong giai đoạn thử việc. Trong giai đoạn này, một chút chậm chễ có thể kết thúc mối quan hệ của bạn với công ty. Thậm chí, bạn nên đến công ty sớm hơn 15 phút để chứng tỏ sự nhiệt tình, đam mê của mình với công việc.
Cố gắng thoải mái
Phải thể hiện tốt giữa rất nhiều con mắt đang đổ dồn vào mình sẽ làm gia tăng căng thằng cho bạn. Nhưng hãy cố gắng bình tĩnh và thể hiện tốt nhất con người mình. Đừng để mọi người nhận thấy bạn đang lo lắng, căng thẳng. Họ sẽ cho rằng nguyên nhân của trạng thái không thoải mái đó là bạn thiếu năng lực hoặc khó thích nghi với môi trường làm việc.
Không nói quá nhiều
Giai đoạn thử việc là thời gian để học hỏi. Hãy thoải mái đặt câu hỏi nhưng đừng áp đặt ý kiến của bạn lên người quản lý hay đồng nghiệp về cách thực hiện công việc tốt nhất. Thậm chí nếu công việc cũ của bạn khá tương đồng với những gì hiện bạn phải làm, hãy nhớ rằng mỗi công ty có quy tắc, văn hóa và cách làm riêng. Công việc của bạn là học văn hóa của công ty mới và thích nghi với nó. Hãy hạn chế hay tránh nói về công việc cũ.
Bạn sẽ làm phật lòng sếp và đồng nghiệp nếu cứ ca ngợi công việc/ công ty cũ tốt đẹp ra sao. Họ sẽ cho rằng bạn không biết cách tương tác với sếp, đồng nghiệp mới và không muốn tiếp tục cộng tác với bạn.
Không cho họ một lý do để sa thải bạn
Đối với các nhân viên tập sự thì không cần một nguyên nhân chính thức cũng có thể bị sa thải. Vì vậy, nếu bạn đang trong quá trình thử thách, đừng làm mất cơ hội của mình khi đưa ra cho công ty một lý do để sa thải bạn.
Lý do mà sếp sa thải bạn thì nhiều vô kể, có thể là không thích cách làm việc của bạn, không “hợp gu”, bị đồng nghiệp chơi xấu v.v.. Tốt nhất là tự bảo vệ mình bằng cách sống tích cực, chuyên nghiệp và lành mạnh.
Một điều quan trọng nữa là luôn giữ sức khoẻ tốt trong thời gian thử việc, những ngày nghỉ ốm sẽ làm ảnh hưởng tới con đường học tập và làm việc của bạn. Nếu thể hiện là một người tích cực và chuyên nghiệp nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn là người đáng giữ chứ không phải là nên sa thải.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét